Vợ chồng xa nhau: Ngổn ngang trăm nỗi  

Sau cưới là quãng thời gian Thủy sống trong nước mắt. Không ngày nào Thủy không lo chồng ‘sa ngã’ vì cô sợ cái tiếng ‘dân lái xe’ của chồng mình.

Là nhân viên tổng đài cho một hãng điện thoại ở Hà Nội, biết nghề của chồng là lái xe đường dài, Thủy vẫn đồng ý cưới. Tuy nhiên, ngay sau đó, cô lại sống trong tình cảnh phập phồng lo sợ.

“1h sáng, mình liên lạc với anh ấy nhiều lần mà không được. Cứ phải tự an ủi là chắc điện thoại anh ấy hỏng hay hết pin. Nhưng định nằm xuống là nước mắt lại trào ra. Cả đêm mình không ngủ được” – Thủy kể. Thủy cho biết, chồng cô không bao giờ tắt điện thoại di động, đi đâu hoặc nghỉ lại chỗ nào, anh cũng gọi điện về cho gia đình yên tâm. Thế nên chỉ một tối không có thông tin gì của chồng, Thủy đã như ngồi trên đống lửa. Cô hết lo chồng gặp tai nạn đến chuyện hay anh say sưa tại một quán cafe đèn mờ ven đường nào đó. Mãi đến sáng hôm sau, chồng Thủy gọi điện báo mới bị mất điện thoại, Thủy mới tạm yên tâm.

Còn Trà (Đà Nẵng) cũng ở cảnh tương tự. Trà làm giáo viên cấp II gần nhà, chồng cô công tác trong ngành Dầu khí tại Vũng Tàu. Một vài tháng, vợ chồng cô mới đoàn tụ một lần.

“Bình thường, ngày nào mình cũng chat trên mạng với chồng. Hôm nào lên mạng gọi mà không thấy hồi âm thì phải gọi điện thoại ngay. Bởi vì, nếu anh ấy bận họp hay công tác đột xuất thì vợ chồng sẽ hẹn trước với nhau, online vào buổi tối” – Trà chia sẻ.

Tuy nhiên, một lần treo nick sáng từ công ty cho đến về nhà, vẫn không thấy tăm hơi chồng đâu, Trà rất lo. Cô nhắn tin và gọi điện thoại di động cho chồng nhưng không thấy hồi âm. Cả đêm lo nghĩ, khóc lóc, nghĩ chồng vô tình khiến Trà mệt mỏi. Sáng hôm sau, Trà không chủ động liên lạc mà ngồi chờ chồng. Hết buổi sáng, không thấy chồng có tin tức gì, Trà càng hoảng. Đầu buổi chiều, Trà gọi điện cho chồng thì bên đầu dây bên kia, một giọng đàn bà đáp lại. Quá bối rối, Trà tắt máy luôn và ngồi khóc.

“Lúc đó, mình nghĩ giọng nói đó chính là của cô bồ. Khóc rất lâu, dằn vặt khổ sở để mãi sau mới biết, đó là một chị đồng nghiệp của chồng. Chồng mình đau ruột thừa, cần mổ gấp, điện thoại lại hết pin. Một chị đồng nghiệp sạc pin rồi nghe máy hộ. Sau đó, chị ấy gọi về số máy bàn của gia đình thì mọi người mới biết chuyện” – Trà tâm sự. Chuyện này làm Trà xấu hổ đến tận bây giờ.

‘Miễn dịch’ vì xa chồng thành quen

Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Chồng mình làm trong quân đội, cơ quan cách nhà cả trăm cây số. Mới cưới, ngày nào vợ chồng cũng tíu tít gọi điện một lần, có khi ‘đi đời’ cả cái card hai trăm nghìn. Vài tháng sau, ‘lão ấy’ lười dần, có hôm quên cả gọi điện cho vợ. Mình làm ầm lên, buồn khóc đến mức sảy thai vì nghĩ chồng hết yêu mình. Thậm chí, mình còn nghĩ đến ly hôn”.

Vợ chồng xa nhau: Ngổn ngang trăm nỗi, Tình yêu - Giới tính, Bạn trẻ - Cuộc sống, Vo chong, xa chong, việc nhà, ly hon, ngoai tinh, vung trom

Chị em nên tỉnh táo trước những cám dỗ từ những người đàn ông khác... (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, đến giờ thì Minh đã vững vàng hơn nhiều. Hai vợ chồng thỉnh thoảng có việc quan trọng mới nói chuyện với nhau qua điện thoại. Bù lại, mỗi lần về phép, chồng Minh rất chăm chỉ giúp vợ việc nhà. Điều đó khiến cô ấm lòng.

Tương tự Minh, ngày mới cưới, mỗi lần phải xa chồng là một lần Duyên (Đống Đa, Hà Nội) khóc sưng húp mắt. Duyên khóc nhiều đến mức, chồng cô cũng không ngủ được. Sáng ra, lại gặp cảnh bùi ngùi tiễn biệt của vợ, anh càng không yên lòng. Khoảng một năm sau thì có con, Duyên không còn “sướt mướt” như trước nữa. Cô đã quen với việc tự mình quán xuyến chuyện nhà và không còn suy nghĩ nhiều.

Giang (Hải Phòng) có chồng là cán bộ kiểm lâm, phải đi suốt. Ngày nào cũng lủi thủi cơm nước một mình, nhìn cảnh chồng già – vợ trẻ hàng xóm, đã có lần Giang nghĩ: “Biết thế lấy đại một ông chồng già. Ngày nào cũng được chồng cùng nấu cơm, quét nhà còn hơn, một ‘ông trẻ’ tối ngày biền biệt”. Tủi thân vì luôn nghĩ “có chồng cũng như không” nên nhiều lúc, Giang kiếm cớ gây sự với chồng. Giang bảo, sau cũng quen dần, giờ thì cô không ân hận về người mà mình đã chọn làm chồng nữa.

Can đảm khi xa chồng

Do đặc thù công việc nên một số người chồng phải xa nhà thường xuyên, có khi rất dài ngày. Chẳng người vợ nào muốn chồng mình nay đây mai đó nhưng vì nhiều lý do, đó là điều phải chấp nhận. Xa chồng, đồng nghĩa với việc người vợ phải cáng đáng công việc nhà, đối nội – đối ngoại, nuôi dạy con cái… Nhưng điều đó, theo nhiều người vợ không khủng khiếp bằng nỗi sợ chồng xa mặt sẽ xa lòng.

Khi mới kết hôn, phụ nữ thường yếu đuối hơn cả. Không có chồng ở bên cạnh trong giai đoạn này khiến người vợ chòng chành. Một phần vì chưa quen với nếp nhà chồng, khó khăn khi tự lập; phần lại sợ chồng “sinh hư”, hết yêu mình… Khoảng cách sẽ làm nảy sinh nhiều hoài nghi lẫn nhau. Đấy là chưa kể, không ít anh chồng vô tâm, lười gọi điện, nhắn tin thăm hỏi (hoặc do công việc bận quá) nên càng làm người ở nhà bất an.

Điều quan trọng có chồng trong hoàn cảnh này là người vợ nên giữ tinh thần thoải mái, tập trung vào việc chăm sóc con hoặc tăng cường giao lưu với bạn bè, người thân... Không suy diễn hay ảo tưởng. Tránh kiểm soát chồng từ xa bằng điện thoại di động. Tỉnh táo trước những cám dỗ từ những người đàn ông khác. Nên nhớ, không phải người chồng nào hay đi công tác cũng ngoại tình, có nhiều ông chồng cận kề bên vợ 24/24 giờ mỗi ngày mà vẫn có khả năng “vụng trộm” như thường.

(Theo Me&be)