Mẹo vặt khi giặt tẩy quần áo bị vấy mực, cà phê,ố vàng..!  

Áo quần bạn bị vấy mực, cà phê, ố vàng... Làm sao để giặt sạch bây giờ?





+ Tẩy vết cà phê, nước trà trên quần áo:

    Quần áo khi bị đổ nước trà hoặc cà phê vào, nếu ta lập tức dùng nước nóng vò giặt ngay thì vết bẩn sẽ hết. Nhưng nếu vết bẩn đã để lâu và khô lại thì cách làm sẽ phức tạp hơn. Ta có thể tham khảo một trong những cách làm sau:

    - Trộn lòng đỏ trứng với glixêrin bôi lên chỗ bị dây bẩn, chờ hơi se se khô, ta lấy nước sạch để giặt, vết bẩn sẽ hết.

    - Trước hết dùng glixêrin tẩm vào vết bẩn, rồi rắc lên vết bẩn một ít axit boric (H3BO3), sau đó ngâm quần áo vào nước sôi rồi giặt, vết bẩn cũng sẽ hết.

    - Dùng dung dịch amôniắc loãng, phèn và nước ẩm lau lên vết bẩn, vết bẩn ố do cà phê và nước trà sẽ hết. Nếu là hàng len dệt pha, không cần phải nhỏ dung dịch amôniắc, chỉ dùng dung dịch glixêrin 10% giặt là sạch.

+ Tẩy vết mực bút bi:   

    Sau khi cho quần áo có vết mực vào ngâm trong nước sạch, ta dùng chất CCL4 lau nhẹ vết bẩn rồi dùng xà phòng với nước giặt sạch quần áo. Chú ý không được dùng xăng để giặt. Ta cũng có thể lấy thuốc đánh răng trộn lẫn với 1 ít xà phòng giặt vò nhẹ vết bẩn, nếu vò xong vẫn còn vết mờ, ta dùng cồn xoa lên là được.

+ Cách giặt tẩy cổ áo và ống tay áo:

    - Vào mùa hè, cổ áo và ống tay áo rất dễ bị bẩn. Khi giặt, trước tiên ta cần phải đem quần áo ngâm cho ướt đều, ở cổ áo và ống tay áo, ta bôi lên 1 lớp thuốc đánh răng, rồi dùng bàn chải chải nhẹ một vài phút; hoặc ta cũng có thể xát lên ống tay áo và cổ áo một ít muối, dùng tay vò nhẹ, sau đó dùng nước giặt cho hết thuốc đánh răng và muối, rồi giặt như bình thường, như vậy, cổ áo và ống tay áo sẽ rất sạch.

    - Áo sau khi giặt sạch, ta lấy một ít phấn rôm trẻ em rắc lên cổ áo và ống tay áo, tiếp đó ta dùng bàn ủi ủi nhẹ, tiếp theo rắc thêm ít phấn rôm. Lần sau khi giặt, cổ áo và ống tay áo sẽ giặt rất nhanh sạch.

    - Áo sơ mi mới giặt hoặc mới may, trước khi dùng, ta dùng bông tẩm xăng (tốt nhất là xăng trắng) thoa xăng lên cổ áo và tay áo một vài lần, đợi đến lúc xăng khô bốc hơi, ta mới dùng nước sạch để giặt. Sau khi làm như vậy, khi áo mặc bẩn, cổ áo và ống tay áo rất dễ giặt sạch.

+ Chống áo trắng bị vàng:

    Áo trắng sau khi mặc, giặt nhiều lần rất dễ bị chuyển sang màu vàng. Nếu ta thường xuyên dùng nước gạo ngâm, giặt quần áo, quần áo sẽ không bị vàng. Hoặc sau khi giặt sạch, ta cũng có thể nhỏ vài giọt mực xanh vào nước rồi ngâm quần áo giặt vào nước đó. Làm như vậy cũng rất có hiệu quả trong việc chống quần áo trắng chuyển sang vàng.

+ Phương pháp giặt quần áo bằng máy vừa kinh tế lại sạch:

    Ta có thể dùng xà phòng bánh để giặt quần áo bằng máy, làm như vậy vừa tiết kiệm mà quần áo lại sạch. Cách làm như sau: Ta cho xà phòng, quần áo vào cùng một lúc, cho đủ nước. Theo sự chuyển động của vòng sóng máy giặt, quần áo và xà phòng sẽ không ngừng xoay chuyển cọ sát, dần tẩy đi các vết bụi bẩn trên quần áo.

    Sau khi xà phòng trong thùng đã đủ, ta có thể lấy xà phòng ra. Nếu muốn thấy hiệu quả ngay, ta có thể cho 3 - 5 miếng xà phòng vào cùng một lúc, chỉ cần sau vài phút là có thể lấy xà phòng ra.

+ Cách xử lý quần áo ủi bị cháy:

    - Với vết cháy trên quần áo bằng vải tơ lụa, ta lấy 1 ít bột xút hòa vào với nước thành dạng đặc như hồ, bôi lên vết cháy, để bột khô tự nhiên, vết cháy sẽ mất đi sau khi bột khô và bong ra khỏi quần áo.

    - Quấn áo bằng sợi hóa học sau khi bị ủi vàng, ta phải lập tức lấy khăn mặt ướt đặt phủ lên trên để ủi, nếu vết vàng chưa nhiều lắm thì có thể phục hồi lại được trạng thái ban đầu.

    - Hàng sợi bông khi bị ủi vàng, ta cần lấy muối tinh rắc lên ngay, sau đó dùng tay vò nhẹ, phơi ra trời nắng 1 lúc, dùng nước giặt sạch, vết cháy sẽ giảm bớt đi, thậm chí có thể mất hết.

    - Các vết ủi cháy ở đồ nỉ sau khi giặt vài lần sẽ mất đi lớp nhung lông và để lộ ra sợi vải. Ta có thể dùng kim khâu móc nhẹ vào nơi không còn lông cho đến khi khơi lên được lớp lông mới, dùng miếng vải ướt phủ lên trên, tiếp đó ủi ngược lại với chiều của lông cũ nhiều lần là được.

    - Vào mùa đông áo khoác ngoài không nên giặt ủi thường xuyên. Nếu áo khoác dày không may ủi bị cháy, ta có thể dùng giấy ráp mịn loại tốt để sát vào nơi bị cháy, rồi dùng bàn chải chải nhẹ, vết cháy sẽ mất đi.