Về nhà nhớ... “phở”, ra đường thương... “cơm”!  

Gần 20 năm làm việc, Nam luôn là một cán bộ mẫn cán, có năng lực, được đồng nghiệp tin yêu và là người chồng, người cha mẫu mực của 2 đứa con.

Từ “cơm” sang “phở”

 

Gần 20 năm làm việc, Nam luôn là một cán bộ mẫn cán, có năng lực, được đồng nghiệp tin yêu và là người chồng, người cha mẫu mực của 2 đứa con. Trò chuyện cùng bè bạn, lúc nào anh cũng tỏ vẻ tự hào về mái ấm gia đình mình, nhất là người vợ “trời ban”, hoa trái của một thời yêu nhau thủy chung, say đắm.

Bạn bè ai cũng biết, Nam là người cẩn trọng, nghiêm túc trong chuyện tình cảm lẫn sinh hoạt. Và càng tin tưởng hơn khi họ biết vợ anh là một phụ nữ mềm mỏng, nhẹ nhàng, đôi khi đơn giản. Cho đến một ngày, Nam bỗng thường tư lự về tình yêu, thi thoảng lại “thở ra” những câu như “sự nhầm lẫn của trái tim” “một tình yêu thực sự”...

 

Và, cuối cùng, anh dùng đến “sự vội vàng, nông nổi”, “đã lỡ rồi nên phải có trách nhiệm” để bộc bạch với bạn bè thân về câu chuyện ngày xưa của mình, như thể khẳng định anh luôn là người sống đến tận cùng trách nhiệm. Câu trả lời đến một cách hiển nhiên khi một lần, Nam không giấu giếm được hơn nữa “tình yêu đích thực”, sự “minh mẫn của trái tim” mình là một cô gái trẻ, khá xinh và “đầy cá tính”.

 

Ông Quý là  cán bộ công chức đã lên hàng “ông nội”. Tuổi tác, vị trí xã hội khiến chẳng ai dám nghi ngờ tư cách của ông chứ đừng nói những chuyện tầm thường vặt vãnh. Hai đứa con đều lớn khôn, thành đạt, đã lập gia đình là niềm tự hào của ông. Song, nhận thức về cuộc đời, về hạnh phúc chẳng bao giờ có giới hạn và không thể chủ quan. Bất ngờ ông phát hiện ra điều: “Có một người vợ tốt chưa hẳn là đã có một tình yêu đích thực”. Và, người “giúp” ông nhận ra điều đó ở cái tuổi gần đất xa trời là một cô gái bước qua tuổi dậy thì được 10 năm có lẻ.

 

“Hãy cho em một đứa con”

 

Xin khẳng định rằng hai nhân vật trong hai câu chuyện vừa kể đều không phải là điển hình cho những người có thói trăng hoa. Bởi từ lúc lập gia đình đến khi họ phát hiện ra “tình yêu thực sự” của mình phải mất đến hàng chục năm và còn nhiều hơn thế. Mặt khác, không thể nghi ngờ tình cảm, sự tự nguyện của những cô gái nọ bởi anh Nam, lẫn ông Quý đều có hoàn cảnh chẳng hề sung túc và “điển trai” chỉ ở mức trung bình. Đó là chưa kể cả hai đang sống yên ổn với gia đình mình và tỏ ra có trách nhiệm đến mức kể cả lúc đang “tình cảm” ngọt ngào cũng sẵn sàng vùng dậy: “Em thông cảm, để anh đi đón con anh về rồi trở lại!”.

 

Mọi chuyện bắt đầu rất đơn giản: “Đối tượng” của Nam tự “đổ” trong một lần anh đi cơ sở giải quyết vụ bất hòa giữa hai gia đình nơi cô đang sinh sống, mà theo cách nhìn nhận của cô là rất “thấu lý đạt tình”.  Người khác chỉ nhìn thấy ở anh một cán bộ có năng lực, còn cô thì nhận ra trong anh một bản lĩnh tuyệt vời và ý định “nương tựa” cũng nảy sinh từ đó. Còn với ông Qúy, sự mềm mại, hiểu biết là lý do khiến ông hơn hẳn những gã trai cục mịch. Cô gái “yêu bằng tai” đã quyết định “đi xa hơn nữa” bất chấp mọi cản ngăn và những lớp đồi mồi trên da thịt của ông.

 

Họ đến “trong nhau” như thế và giữa lúc những người đàn ông còn hoang mang với gánh nặng gia đình thì đối tượng của họ càng “tấn công” dồn dập. Vũ khí tấn công của các nàng đơn giản mà hiệu quả: Chấp nhận hy sinh, chấp nhận bí mật, tất cả vì tình yêu và tất cả vì... chàng! Quả khó có trái tim nào không “rơi rụng” trước tâm tình này của thiếu nữ.

 

Cứ thế, họ âm thầm hò hẹn, âm thầm trao gửi, âm thầm nhớ nhung và âm thầm hờn giận như những cặp uyên ương trong bóng tối. Chỉ có một thứ khó lòng chia sẻ, là trong khi các cô âm thầm hy vọng vào một tương lai rất mơ hồ, thì những người đàn ông “của họ” lại âm thầm đau khổ trước sự tin tưởng đến vô tư, sự tần tảo đến quên mình của những người vợ: “Về đến nhà, cứ nhìn thấy cô ấy ôm con ngủ là mình lại thấy ân hận quá chừng!”. Nhiều lần, cả Nam cũng như ông Qúy đã có ý định “xin thôi”, nhưng cứ gặp “cô ấy” thì chẳng khác nào đứa trẻ đứng trước que kem, dù sợ sún răng vẫn cố ăn bằng được.

 

Cây trồng mãi thì cũng đến lúc “đòi”... ra quả. Ấy là khi các nàng thỏ thẻ đề nghị các chàng “gia cố” tình yêu bằng một... đứa con. Hiển nhiên ai “đòi” nấy “chịu”. Lời yêu cầu hợp lý và lời hứa hy sinh, quyết không đòi hỏi điều gì khiến các chàng vừa cảm động lại vừa lo sợ. Trong khi các nàng khấp khởi chờ đợi và hy vọng thể hiện một tình yêu lãng mạn, cũng là lúc các chàng phải tỉnh như sáo để tính kế... lui binh.

 

Từ “phở” về “cơm”

 

Cả Nam và ông Qúy đều thú nhận rằng, ngay từ đầu họ đã biết câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu cả. Không giống như lời bao biện lúc đầu về một “tình yêu đích thực”, sau thời gian “hợp tác” họ có điều kiện để so sánh rằng: “phở” chỉ hơn cơm vì “nóng sốt” và “lạ” miệng, nhất là khi được “ăn” mà không phải tính tiền.

 

Dù vậy, họ cũng thừa nhận những cảm xúc của mình trong câu chuyện là có thật. Và, nếu như những “đối tượng” của họ chưa nghĩ  đến việc “ra quả”, có lẽ câu chuyện chưa có điểm dừng chứ không phải như những lời “cao thượng” họ nói lúc chia tay: “Vì tương lai của em, em phải có một gia đình tử tế!”.

 

Điều đáng tiếc và chắc chắn đáng tiếc là các cô gái đều bị sốc nặng! Dù họ có thể chấp nhận được cái logic: Yêu - có con với người mình yêu, ngay cả khi phải sống một mình, thì họ vẫn không thể chịu đựng nổi ý nghĩ phải chia tay tình yêu của mình dẫu tương lai mờ mịt. Nam và ông Qúy đều biết thế, nhưng nỗi xót xa của họ cũng không làm vơi được nguồn nước mắt của những cô gái lỡ làng chỉ vì yêu hết lòng, cho dù đó có là thứ tình yêu liều lĩnh, mù quáng.

 

Câu chuyện giữa họ may mắn đã kết thúc trong vòng bí mật như khi nó xảy ra. Một may mắn nữa là họ đã dừng mà không để lại thêm hậu quả nào khác.

 

Nam trở về nhà, lần đầu tiên anh cảm thấy nhẹ nhàng khi ngắm nhìn vợ con an giấc và tự hỏi: “Quái, tại sao yên ổn không muốn!” Hỏi anh: “Nhỡ ra đường lại có cô nào...?” Nam xua tay: “Anh chừa rồi! Xin cho anh... kiếu!”.

 

Ông Qúy thở phào: “May mà “lảng” ra được, không khéo có ngày bà ấy bắt gặp thì... toi mất!”.

 

Theo Chiêu Nhật

Gia đình & Xã hội