Mẹo trị da bị cháy nắng  

Với cái nắng chói chang của mùa hè hiện nay, không ít người bị cháy nắng ở cổ, lưng trên, tay và vùng má. Bạn sẽ chăm sóc da của mình ra sao nếu gặp phải tình trạng này?
Da được cấu tạo bởi 3 lớp từ ngoài vào trong gồm thượng bì, trung bì và hạ bì. Da rất nhạy cảm, đặc biệt là sự tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời mùa hè. Trường hợp bị cháy nắng nhẹ, sẽ xuất hiện vầng đỏ trên mặt da (do sự nở ra của các mạch máu), phồng rộp da, làm xuất hiện một màng nước ở lớp da ngoài cùng.

Thường thì da tự lành bằng cách sản xuất ra những tế bào da mới. Nhưng trong quá trình tự làm lành này, một vài tế bào có thể trở thành bất bình thường và hậu quả là dẫn đến bệnh ung thư da. Vì thế, khi da có biểu hiện cháy nắng, bạn cần phải có biện pháp khắc phục sớm, tốt nhất là chữa trị khi tổn thương này mới bắt đầu xuất hiện, thậm chí cả trước khi quầng đỏ xuất hiện.



Khi da có biểu hiện cháy nắng, bạn cần phải có biện pháp khắc phục sớm.

Có một số biện pháp khắc phục tình trạng làn da bị cháy nắng:

Tắm nước lạnh nhưng không phải là nước đá. Không thêm muối hoặc bất cứ loại tinh dầu nào vào trong nước.

Không dùng tay hoặc dao cạo để cạo đi lớp da bị cháy nắng.

Dùng khăn mặt ẩm hoặc khăn mềm để lau khô da sau tắm.

Sử dụng kem chống nắng có chứa tinh chất lô hội làm mát

Sử dụng kem làm mát hoặc trị sưng tấy da với sự tư vấn của bác sĩ da liễu.

Không ra nắng vào thời điểm da đang bị cháy nắng.

Nếu bạn bị mệt mỏi hoặc buồn nôn thì nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Sau khoảng 4 – 7 ngày, tình trạng làn da cháy nắng sẽ được cải thiện, lớp da cháy nắng sẽ bị bong đi và tái tạo lớp da mới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thường xuyên để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến da nhanh lão hóa, hình thành các nếp nhăn, thậm chí là tiềm ẩn nguy cơ ung thư da.

Trong trường hợp bị cháy nắng nặng, bạn nên dùng các loại kem có chứa cortison (liều lượng và cách dùng phải có ý kiến của bác sĩ) sẽ có kết quả tốt hơn. Các loại thuốc chống viêm, loét cũng có tác dụng chữa lành chứng cháy nắng, đặc biệt nếu dùng kèm nó với kem đặc trị. Riêng với những người bị bệnh đau dạ dày, xuất huyết dạ dày thì không nên dùng thuốc kháng viêm.

Trong trường hợp bị cháy nắng nặng, bạn nên dùng các loại kem có chứa cortison (liều lượng và cách dùng phải có ý kiến của bác sĩ) sẽ có kết quả tốt hơn.

Để phòng cháy nắng, mỗi khi ra nắng, bạn nên thoa kem chống nắng có khả năng bảo vệ cao, đồng thời mặc áo dài tay, đi găng, đội mũ, đeo kính và đeo khẩu trang. Nếu không có việc cần, tốt nhất là không đi ra ngoài đường trong khoảng thời gian từ 10 - 15 giờ

Phòng hơn chữa, vậy nên để phòng tránh cháy nắng, bạn đừng quên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF trên mức 30. Nếu đi biển, bạn cần chọn loại kem chống nắng không thấm nước. Ngoài ra, cần đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mang thêm ô, dù khi đi biển.
Theo PNO