Vào lễ kỷ niềm lần thứ 50 ngày cưới, một phụ nữ đã tiết lộ bí quyết cho cuộc hôn nhân lâu bền và hạnh phúc của bà. Bà nói:
- Vào ngày cưới, tôi đã quyết định lập một danh sách 10 khuyết điểm của chồng tôi, mà vì tôi đã yêu và cưới ông ấy, nên tôi sẽ bỏ qua.
Một người khách hỏi bà có thể kể ra một vài khuyết điểm của chồng mình mà bà đã bỏ qua là gì hay không.
- Nói thật với các vị– Người phụ nữ này đáp – Tôi đã không bao giờ dành thời gian để lập cái danh sách đó. Nhưng bất kỳ khi nào chồng tôi làm việc gì đó khiến tôi phát điên, tôi lại sẽ tự nhủ: “May cho ông ấy vì đấy là một trong 10 điều trong danh sách của mình”.
Thật tuyệt vời khi bạn quyết định những gì có thể bỏ qua. Trong các mối quan hệ, ai cũng phải tập cách bỏ qua rất nhiều sai sót của người khác. Và tôi tin rằng những người khác cũng phải tập như thế với những sai sót của chính bạn.
Có một câu chuyện khác, rằng hai vợ chồng nọ đang cùng nhau dán giấy dán tường. Tuy nhiên, đối với người chồng thì cô vợ có vẻ không kỹ tính lắm trong chất lượng công việc. Anh ta cảm thấy rằng vợ mình đang làm rất tệ. Cuối cùng, anh ta bảo vợ:
- Vấn đề là anh là một người cầu toàn, còn em thì không!
- Chính xác! – cô vợ đáp – Đó là lý do anh lấy em và em lấy anh.
Người vợ Hoàn Hảo đó rõ ràng đã làm được một điều tốt: Cô biết cách bỏ qua lời nhận xét khó chịu từ người chồng cầu toàn của mình.
Chúng ta là những con người không hoàn hảo và đầy khiếm khuyết. Nhưng, điều đáng chú ý là, con người được tạo ra không phải để chẳng có khiếm khuyết nào. Chúng ta bị trầy xước, đầy thiếu sót, cả bên trong lẫn bên ngoài. Con người là như thế. Đôi khi, đây nên được coi là một phẩm chất đáng quý. Tôi không bao giờ quên rằng từ “hoàn hảo” chỉ được tìm thấy trong từ điển mà thôi.
Tôi có thể không trở thành những gì mà bạn muốn tôi trở thành (Ảnh minh họa)
Kể cả đồ gốm sứ có lẽ cũng gần với sự hoàn hảo hơn con người, nếu tôi có thể lấy ví dụ về công ty Belleek Pottery ở Ailen. Tôi nghe nói rằng mọi sản phẩm đã hoàn thành của công ty này đều phải trải qua lần kiểm tra cuối cùng. Nó sẽ được trưng ra dưới ánh sáng chói lóa, rực rỡ và xem có điểm thiếu hoàn hảo nào không. Nếu chỉ có một khiếm khuyết nhỏ bị phát hiện, thì chiếc cốc hay đĩa hay bình hoa hay hũ đựng đường đó sẽ bị nghiền vụn. Đúng là như thế đấy. Cái sản phẩm thiếu hoàn hảo đó sẽ không bao giờ được bán ra theo kiểu “hàng bậc hai”. Nếu đồ gốm Belleek mà không hoàn hảo, thì người ta coi là nó không đủ tốt để bán. Chắc chắn rất nhiều nhà sản xuất gốm sứ và pha lê cũng làm điều tương tự.
Tôi thực sự không chịu nổi kiểu săm soi đến thế. Tôi có đầy khiếm khuyết mà tôi còn chưa thực sự tìm hiểu kỹ nữa.
Họa sĩ tài năng và nhạy cảm Vincent van Gogh hẳn đã phải đau đớn đến mức nào khi buồn bã thốt ra câu: “Tôi ước người ta chỉ cần chấp nhận tôi như là chính tôi”. Mỗi ngày, câu đó sẽ được lặp lại bao nhiêu lần bởi vô số người đang cảm thấy mình không được chấp nhận? Được chấp nhận như là chính bản thân mình không chỉ là một điều mong ước, mà còn là một nhu cầu từ sâu thẳm bên trong con người.
Bởi vì, trong thâm tâm, ai trong chúng ta cũng muốn được chấp nhận như là chính bản thân mình. Hãy chấp nhận tôi như là chính tôi. Tôi có thể không trở thành những gì mà bạn muốn tôi trở thành. Và tôi còn lâu, còn lâu mới có thể gọi là hoàn hảo. Nhưng tôi vẫn có một số phẩm chất rất tốt, cũng như cả những khiếm khuyết nữa. Bạn cứ chấp nhận tôi như là chính tôi, và rồi tôi cũng sẽ đối với bạn như thế.
Là chính bản thân mình sẽ là sự đảm bảo chắc chắn nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể đưa ra. Nhưng nói thẳng ra là, trong hầu hết các trường hợp, khi bạn chấp nhận người khác như chính bản thân họ, thì bạn đều nhận được một “món hời”.
Steve Goodier